5 yếu tố cần có của một gia đình hạnh phúc
5 yếu tố cần có của một gia đình hạnh phúc
Trong văn hóa truyền thống, gia đình được xem là một trong những nhân tố quan trọng nhất của quốc gia. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, việc nhà tuy nhỏ, nhưng lại là yếu tố cơ bản hình thành nên “quốc gia” và “thiên hạ”.
Gia đình hạnh phúc là điều mà mỗi người đều mong muốn, chỉ cần một gia đình có 5 yếu tố cơ bản dưới đây thì chắc chắn sẽ hạnh phúc.
1. Vợ chồng yêu thương nhau
Trong một gia đình, chồng và vợ giống như đất và hoa. Nếu mối quan hệ vợ chồng không hòa thuận sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mối quan hệ trong nhà.
Vợ chồng bất đồng thì mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, cha mẹ – con cái đều sẽ bị xấu đi.
Nếu giữa vợ chồng không có tình yêu thật sự, cả gia đình sẽ thiếu thốn tình yêu thương.
Vợ chồng yêu thương nhau là sức đề kháng mạnh nhất của một gia đình, là sự giáo dục cơ bản nhất và tốt nhất dành cho con cái.
Tình yêu thương to lớn nhất của một người cha dành cho con cái chính là yêu thương mẹ của chúng.
Tình yêu thương lớn nhất mà một người mẹ dành cho con mình chính là sự ngưỡng mộ và đánh giá cao cha của chúng.
Một nửa của đứa trẻ đến từ người cha, nửa còn lại đến từ mẹ, nếu phủ nhận một trong hai thì có nghĩa là đã vô tình phủ nhận một nửa của trẻ.
Ngoài ra, con cái là do tế bào của cha mẹ kết hợp với nhau tạo thành, vì vậy trong tiềm thức của mỗi đứa trẻ đều hy vọng cha mẹ mình hòa thuận, yêu thương nhau.
2. Thoải mái trò chuyện
Trò chuyện là yếu tố then chốt để duy trì hạnh phúc gia đình.
Có việc gì đừng giữ trong lòng, hãy trò chuyện với người thân nhiều hơn, để mọi người hiểu mình hơn, như vậy sẽ có thể tránh được rất nhiều sự hiểu lầm và mâu thuẫn không cần thiết.
Cha mẹ và con cái rất cần sự trò chuyện, trao đổi với nhau trong cuộc sống, những gia đình thiếu sự giao tiếp chuyện trò sẽ khó có thể hạnh phúc.
Tình yêu thương cần sự giao tiếp bằng ngôn ngữ, nếu không chúng ta làm sao có thể cảm nhận được tình yêu thương giữa vợ – chồng, cha mẹ – con cái?
Một cuộc hôn nhân mà không vợ chồng cảm nhận được tình yêu thì sao có thể sống với nhau cả một đời?
Vì vậy, mỗi ngày, những lúc ăn cơm, nghỉ ngơi hay trước khi đi ngủ, hãy đặt điện thoại và máy tính xuống để trò chuyện cùng nhau.
3. Tin tưởng lẫn nhau
Hai chú chim sống cùng nhau, chim trống nhặt hạt về đầy một tổ cho chim mái, do thời tiết nóng bức, hạt bị mất nước nên nhỏ đi, số hạt trong tổ có vẻ như chỉ còn lại một nửa ban đầu.
Chim trống cho rằng chim mái ăn vụng nên đuổi chim mái đi.
Vài ngày sau, trời mưa to mấy trận, không khí ẩm, hạt lại nở ra đầy một tổ.
Lúc này chim trống vô cùng hối hận nói rằng: “Là mình đã trách lầm chim mái rồi!”
Giữa các thành viên trong gia đình cần tin tưởng lẫn nhau, rất nhiều gia đình đang êm ấm nhưng lại bị tan vỡ do sự hoài nghi.
Vì vậy, hãy giữ lòng tin với người thân, tránh hoài nghi vô cớ, đừng để sự nghi ngờ hủy hoại hạnh phúc gia đình.
Gia đình là nơi không cần phải đề phòng, có thể thoải mái thư giãn, trò chuyện vui vẻ cùng nhau, đối xử chân thành, bất cứ lúc nào cũng cảm thấy được tin tưởng giữa các thành viên trong nhà.
Niềm tin cũng là tiền đề để giáo dục con trẻ.
Nếu cha mẹ và con cái thiếu đi sự tin tưởng nhau, các con không nhận được sự giáo dục của cha mẹ thì tương lai sẽ khó có thể phát triển toàn diện.
5 yếu tố cần có của một gia đình hạnh phúc
4. Đặt mình vào vị trí của người khác
Đặt mình vào vị trí của người khác là một phẩm chất đạo đức cơ bản.
Từ xưa đến nay, cho dù những người không cùng khu vực, dân tộc, tôn giáo và văn hóa nhưng họ đều nói những điều mang cùng ý nghĩa như
“Đừng làm cho người khác những điều mà mình không muốn”, “Muốn người khác đối xử với mình ra sao thì hãy đối xử với họ như thế”.
Trong gia đình, vợ và chồng giữ những vai trò khác nhau, điều này quyết định sự khác biệt trong cách nhìn nhận vấn đề của họ.
Vì thế, việc đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ là việc rất cần thiết và cũng là cách tốt nhất để vợ chồng thấu hiểu lẫn nhau, gìn giữ gia đình hòa thuận.
Đặt mình vào vị trí của người khác cũng là cách tốt nhất để quản lý các mối quan hệ trong gia đình, nắm vững được cách này thì có thể giải quyết được mọi việc một cách hữu hiệu, hóa giải các vấn đề trong gia đình, làm cho gia đình hòa thuận để tất cả các thành viên đều được sống vui vẻ.
5. Có không gian độc lập
Giữa vợ và chồng cần có sự quan tâm, chăm sóc và hy sinh – đây là điều rất quan trọng – nhưng nếu một người hạn chế người kia quá nhiều, quan tâm quá mức thì sẽ khiến họ cảm thấy không có tự do.
Thay đổi bản thân để thỏa mãn ý muốn của đối phương, mất đi sự độc lập để gìn giữ tình cảm, điều này nhiều khi sẽ gây phản tác dụng.
Thật ra có không gian độc lập sẽ giúp các mối quan hệ tình cảm được ổn định.
Có những bậc phụ huynh thường quên mất điều này, quá mức quan tâm yêu thương con cái khiến những đứa con cảm thấy “ngạt thở”.
Có một cậu bé học sinh lớp 10 nói rằng mình thật sự không chịu nổi tình yêu thương của mẹ nữa rồi, mẹ quan tâm quá nhiều, mỗi ngày con mặc gì, dậy mấy giờ, đi ngủ lúc mấy giờ, thậm chí chơi với ai, mẹ cũng đều sắp xếp.
Mẹ luôn phải nắm rõ tình hình của con, khi bạn học gọi điện thoại đến, mẹ phải nghe trước, ngày nào cũng yêu cầu phải nói suy nghĩ của mình với mẹ v.v…
Khiến cậu bé cảm thấy mình như đang bị quản thúc tại gia, không có sự riêng tư của mình.
Mỗi người đều cần có không gian riêng.
Yêu thương nhưng vẫn có sự riêng tư mới là tình yêu hạnh phúc.
Nếu bạn không thể cho người mình yêu sự tự do thì bạn hoàn toàn không thật sự yêu người đó.
Trong tình yêu, hôn nhân và quá trình giáo dục con cái, người ta luôn cần sự tự do, nếu không họ sẽ nhanh chóng cảm thấy bị ràng buộc, ngột ngạt tới mức không thể chịu nổi.
Vậy nên, trong gia đình, giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái đều cần có một không gian riêng tư nhất định và sự tôn trọng không gian riêng của nhau.
Giữ gìn không gian độc lập của mỗi cá nhân thì gia đình mới thật sự ngập tràn tình yêu thương.
-ST-