Đằng sau ẩm thực Trung Hoa là cả một câu chuyện lịch sử dài và các giá trị văn hoá truyền thống
Đằng sau ẩm thực Trung Hoa là cả một câu chuyện lịch sử dài và các giá trị văn hoá truyền thống
Thực phẩm ngoài việc đáp ứng nhu cầu của con người, còn giúp chúng ta gắn kết và thể hiện mối quan hệ tình cảm với người khác, bắt đầu từ nguồn lương thực đầu tiên là nguồn sữa mẹ.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở ý nghĩa đó, thực phẩm còn mang đến nền văn hóa ẩm thực đặc sắc cho mỗi vùng miền, và là cách kết nối lịch sử, thể hiện bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc trên thế giới.
Trung Quốc là một dân tộc lớn với bề dày lịch sử hơn 5000 năm văn hóa.
Ảnh hưởng về các loại hình văn hóa của đất nước này đã từng vươn xa, và có thời kỳ hưng thịnh nhất trên thế giới.
Tuy giờ đây nhiều người phải suy ngẫm về những giá trị tốt và xấu của dân tộc này khi nền văn hóa Trung Hoa rực rỡ đã nhiều phần mai một sau những phong trào phá bỏ văn hóa như Phá Tứ Cựu, Cách Mạng Văn Hóa,…nhưng có một nét đặc trưng của văn hóa đất nước này đã thực sự gây ấn tượng cho toàn thế giới.
Đó chính là văn hóa ẩm thực Trung Quốc.
Vào cuối giai đoạn Xuân Thu thời kỳ Đông Chu (khoảng cuối giai đoạn từ năm 771 đến 476 trước Công nguyên) của lịch sử Trung Quốc, văn hóa ẩm thực Trung Quốc đã bắt đầu hình thành từ các nghi thức Nho giáo, mang đến cho người dân vùng đất Hoa Hạ một phong cách ẩm thực thanh tao, nho nhã, và có ý nghĩa rất to lớn khi nền văn hóa ẩm thực này có những điển tích liên quan đến câu chuyện của các vĩ nhân:
Khổng Tử
Nhiều người biết rằng Khổng Tử là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Quốc, nhưng ít ai biết rằng ông cũng rất am tường các nghi thức trong việc ăn uống.
Trong một cuốn sách kinh điển của Nho giáo là Kinh Lễ, có dạy rằng:
“Trong bữa ăn, rượu và súp nên được đặt ở bên phải của thực khách, trong khi các món ăn chính nên được đặt ở bên trái.
Không nên ăn hết đồ ăn trong một lần, mà cần chia thành các phần nhỏ để ăn nhiều lần và phải nhai kỹ trước khi nuốt.
Ngoài ra, trong khi dùng món súp hoặc thức ăn khác, không nên phát ra âm thanh”.
Khổng Tử cũng dạy rằng cách một đầu bếp cắt thức ăn sẽ ảnh hưởng đến thành phần món ăn, và độ tươi mới của thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến hương vị.
Nếu cả hai khía cạnh trên đều không đạt được, thì điều đó xem như là một hành động thiếu tôn trọng đối với thực khách.
Ở Trung Quốc, những nghi thức trang trọng như vậy đã được thực hiện sớm hơn ở phương Tây đến gần 2000 năm.
Và theo thời gian, khi các phương pháp nấu ăn phát triển hơn nữa, mọi người cũng bắt đầu chú ý hơn đến hương vị của thức ăn.
Ngoài ra, có nhiều học giả đã phân loại việc làm bếp thành hai công đoạn chính: một là khả năng kiểm soát lửa, còn lại là khả năng kết hợp các loại gia vị khác nhau để chế biến món ăn.
Ngay cả bản thân các học giả cũng tham gia nấu ăn và tạo ra nhiều món ăn tuyệt vời.
Danh y Tôn Tư Mạc
Danh y Tôn Tư Mạc từng được người đời suy tôn là “thần y” về trị bệnh và thuật dưỡng sinh, nổi tiếng từ triều đại nhà Đường (thời kỳ 618-907 sau Công nguyên), ông được công nhận là “dược vương” trong lịch sử y học Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngoài việc là một danh y vĩ đại, ông còn rất xuất sắc trong nghệ thuật nấu ăn.
Một ngày nọ, ông đến thành phố Trường An (hiện nay là Tây An). Ông quyết định dùng bữa tại một nhà hàng và gọi món lòng lợn nấu chín.
Nhưng khi món ăn này được phục vụ, thì riêng mùi vị của nó cũng đã quá nồng khiến ông không thể chịu nổi, huống chi nói đến việc có thể ăn được món ăn này.
Danh y Tôn Tư Mạc suy nghĩ một lúc, và lấy ra một chiếc bình bầu đựng vài loại thảo dược như hạt tiêu, cây thì là và quế, rồi ông bảo chủ nhà hàng hãy nấu ruột với các loại thảo mộc này.
Kết quả là ông được thưởng thức một món ăn có mùi vị rất dễ chịu, không quá béo hay có mùi quá nồng.
Thế là, người chủ nhà hàng rất ấn tượng và nhất định không tính tiền món ăn của vị danh y.
Để đáp lại lòng tốt của người này, trong chuyến viếng thăm lần sau của mình, danh y Tôn Tư Mạc đã tặng cho ông ta một chiếc bình bầu chứa đầy thảo dược.
Sau đó, nhà hàng rất thành công trong việc chế biến món ăn, đặc biệt những người dân thị trấn hết lời khen ngợi cho món ăn lòng lợn này.
Khi được hỏi tên của món ăn, người chủ bối rối chưa biết trả lời ra sao, rồi ông ta nhìn thấy quả bầu được tặng và trả lời mà không cần suy nghĩ thêm: “Đó là món đầu bầu”.
Sau đó, ông này treo quả bầu ngay trên lối vào nhà hàng của mình.
Theo thời gian, món ăn này ngày càng phổ biến và giờ đây đã trở thành một trong những món khai vị nổi tiếng của người Tây An.
Trịnh Quốc Công Ngụy Trưng
Ngụy Trưng là một sử gia, một chính trị gia lỗi lạc thời nhà Đường, ông nổi tiếng vì đã đưa ra lời khuyên chân thành và nghiêm khắc nhất cho Hoàng đế Đường Thái Tông.
Vì thế, ông được bổ nhiệm chức vụ Gián nghị đại phu chuyên làm nhiệm vụ can gián những sai trái của hoàng thượng.
Một hôm, Đường Thái Tông nghe nói rằng Ngụy Trưng thích món cần tây ngâm giấm, vì vậy đã đặc biệt mời ông dự bữa tiệc mà trong đó có món ăn này.
Tin đồn quả nhiên là sự thật.
Đôi mắt của vị Gián nghị đại phu bừng sáng khi ông trông thấy món cần tây ngâm và ông đã dùng món ăn ngay lập tức.
Đường Thái Tông thấy thế mới bảo Ngụy Trưng: “Ông đã từng nói với ta rằng ông không có bất kỳ niềm đam mê nào, nhưng sao hôm nay ta lại thấy không phải thế?”
Ngụy Trưng liền bẩm: “Thưa hoàng thượng, nếu người chỉ để tâm đến những vấn đề nhỏ này thay vì hướng đến điều lớn lao hơn, thì đó là lựa chọn của người, thần không có cách nào khác ngoài việc phát triển những chấp trước tầm thường như vậy cho người, như việc ăn cần tây ngâm này chẳng hạn”.
Ngụy Trưng nói một cách tôn trọng và khiêm nhường, nhưng những lời nói gay gắt của ông ngụ ý rằng ông kỳ vọng ở Hoàng đế những điều lớn lao hơn, hy vọng Thái Tông sẽ xem xét những vấn đề trọng đại như chăm lo cho dân chúng và điều hành đất nước tốt hơn.
Sau khi nghe những lời đó, Hoàng đế im lặng trong một lúc lâu, liên tục nhìn lên trời và thở dài.
Thái Tông đã theo đó mà làm vì ông biết những gì vị Gián nghị đại phu thẳng thắn này đã can gián là điều đúng đắn.
Hoàng đế như bừng tỉnh khi nghe về những kỳ vọng lớn lao trong lời nói của Ngụy Trưng và xúc động bởi sự cương trực cũng như lòng trung thành của ông đối với đất nước.
Văn sĩ Tô Đông Pha
Trong thời kỳ Xuân Thư triều đại nhà Tống (giai đoạn 960-1279), học giả Tô Đông Pha là một văn sĩ nổi tiếng ở Hàng Châu.
Một lần, ông đưa người dân Hàng Châu đến Hồ Tây để xây dựng một con đập, không chỉ vì giải quyết vấn đề lũ lụt, mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp cho nơi đây.
Vì thế, dân làng đã bày tỏ lòng biết ơn của mình bằng cách biếu Tô Đông Pha thịt heo để ông có thể chế biến cho mình các món ăn yêu thích.
Sau khi nhận được một lượng thịt heo chất lượng tốt, Tô Đông Pha chia sẻ nó với những công nhân đã giúp hoàn thành dự án của hồ.
Sau đó, ông bảo gia nhân cắt thịt thành những ô vuông nhỏ và nấu chúng theo phương pháp của ông: thêm vào một ít nước, đun nhỏ lửa và nấu trong một thời gian dài.
Theo cách nấu ăn này, thịt heo sẽ thơm hơn, với lớp ngoài thì giòn lớp trong thì mềm và không gây béo ngậy.
Những người thợ rất thích món ăn này và đặt cho nó cái tên món Heo Đông Pha.
Từ đó, phong tục nấu món Heo Đông Pha vào đêm trước Tết Nguyên đán để bày tỏ sự ngưỡng mộ và tôn trọng văn sĩ Tô Đông Pha đã trở thành một truyền thống.
Có nhiều món ăn được tạo ra bởi các học giả từ nhiều thời kỳ khác nhau.
Mặc dù có nhiều công thức nấu ăn không được truyền lại hoặc viết ra, nhưng một số tinh hoa đã được các đầu bếp kế thừa trong lịch sử.
Trong đó, có nhiều đầu bếp tài năng đã tạo ra các món ăn theo nhiều khẩu vị khác nhau và được mọi người ở các vùng miền cũng như các thời đại sau này chấp nhận và lưu truyền.
Một món ăn Trung Quốc phổ biến là món cơm chiên, có thể được nấu dễ dàng bằng các loại rau và các loại thịt, sau đây là cách làm:
Thành phần:
· 6 chén cơm trắng
· 1 ức gà, lọc bỏ da và xương
· 150 gram thịt xông khói xắt nhỏ
· 450 gram thịt heo xay
· 1 cây hành lá băm nhỏ
· 1 trái ớt đỏ thái hạt lựu
· 1 lát gừng
· 1 muỗng cà phê tỏi băm nhỏ
· 3 quả trứng
· Muối và hạt tiêu cho vừa ăn
· Nước tương
· Dầu ăn
· Đường
Chuẩn bị:
· Dùng cối và chày để nghiền nát gừng và tỏi.
· Cắt thịt gà thành những miếng nhỏ.
· Ướp thịt gà với muối, tiêu, một vài thìa nước tương, gừng và tỏi đã nghiền nát, hành lá cắt nhỏ (chỉ sử dụng thân thân hành, không dùng phần đầu hành).
· Ướp thịt heo với muối, tiêu, xì dầu và một ít đường.
· Sau đó dùng một ít dầu ăn để chiên thịt xông khói và ớt đỏ thái hạt lựu, rồi bỏ thịt heo đã ướp vào chiên. Khi thịt heo gần chín, thêm thịt gà vào và tiếp tục chiên cho đến khi các loại thực phẩm chín tới.
· Thêm cơm vào từ từ, và thêm một vài thìa nước tương cho đến khi cơm có màu nâu nhạt.
· Đập 3 quả trứng vào tô, thêm vào một chút nước tương rồi đánh đều với trứng. Cho vào chảo riêng chiên lên. Cắt trứng chiên thành khối nhỏ, thêm vào cơm và thịt đã nấu chín rồi trộn đều lên.
· Dùng món ăn khi còn nóng sẽ rất ngon miệng.
Nghệ thuật ẩm thực tinh tế của Trung Quốc được coi là một trong những truyền thống ẩm thực tốt nhất thế giới, với nhiều món ăn có vị trí đặc biệt khi gắn liền với các giai thoại lịch sử và văn hóa.
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao mọi người từ các vùng khác nhau trên thế giới có các văn hóa ẩm thực khác nhau?
Thật ra, có nhiều kết nối giữa ẩm thực và văn hóa hơn chúng ta nghĩ.
Hai nhà văn David Bell và Gill Valentina đã phát biểu trong nghiên cứu của mình rằng: “Văn hóa ẩm thực của bất kỳ quốc gia nào chính là phản ảnh rõ nét nhất về lịch sử và nền văn hóa của quốc gia ấy”.
Thật vậy, cũng như cách chúng ta tôn vinh quá khứ qua những câu chuyện và văn học, ẩm thực là một cổng thông tin để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, và hơn thế, nó phản ánh ý thức hành xử của một dân tộc.
Khi con người sống không phải vì mục đích để ăn gì, mà dùng việc ăn để thể hiện cách sống và cách hành xử, thì ẩm thực trở thành một nghệ thuật, một hình thức nghi thức để thể hiện nét đẹp tinh thần của một con người, một dân tộc.
Tâm An