Hai chữ ‘người thầy’ trong quan niệm của Khổng Tử
Hai chữ ‘người thầy’ trong quan niệm của Khổng Tử
Trong suốt cuộc đời mình, Khổng Tử đã để lại nhiều bài học đạo đức cũng như nhiều kinh nghiệm truyền đạt kiến thức của một người thầy cho các thế hệ sau.
Khổng Tử (551-479 TCN) tên thật là Khổng Khâu, tự Trọng Ni, là người nước Lỗ, sống vào cuối thời Xuân Thu chuyển sang thời Chiến Quốc, trong lúc chế độ phong kiến của nhà Chu bắt đầu băng hoại.
Ông sinh ra trong một gia đình danh giá, có ông tổ ba đời thuộc dòng quý tộc nhưng sa sút từ nước Tống mà phải di cư đến nước Lỗ.
Khổng Tử là một người thầy có nhân cách lớn.
Ở ông hiện lên sự siêng năng, tinh thần cầu tiến rất cao, là tấm gương sáng cho môn đồ và tất cả mọi người.
Những học trò tôn kính ông không chỉ bởi sự uy nghiêm của một người thầy, mà ẩn sau đó là trái tim chân thành, giàu tình cảm và đầy tâm huyết với nghề.
Tuy có vốn kiến thức khá rộng về nhiều lĩnh vực, nhưng Khổng Tử không bao giờ tự nhận mình là một người hiểu biết.
Đối với ông, kiến thức mà ông có được chỉ như hạt cát giữa sa mạc bao la.
Theo Khổng Tử, “thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”, thầy có vai trò của thầy, học trò có vai trò của học trò, nhưng cả hai phải tu thân để có đạo đức.
Ngoài việc truyền đạt tri thức cho trò, thầy phải có phẩm chất, ngụ ý tri thức và đạo đức, làm gương cho trò mới dạy được trò.
Ngược lại, trò phải tôn kính thầy, trò trước tiên phải học và hành được lễ nghĩa, sau học và hành tri thức; như thế, mới có thể hữu dụng cho bản thân, gia đình, xã hội, dân tộc và đất nước.
Không Tử luôn đề cao tri thức và đạo đức của người thầy
Trước khi đạt được vị thế đó, người thầy phải hội đủ phẩm chất và vị thế của bốn đối tượng tốt trong xã hội: Người tốt, công dân tốt, quan tốt và vua tốt (trong Luận Ngữ). Là người thầy tốt, ngoài những phẩm chất của công dân, quan và vua tốt, người thầy phải làm gương cho trò noi theo, có khả năng truyền đạt kiến thức, công bằng không thiên vị và thấu hiểu học trò.
Vì thầy đứng hạng cao nhất về đạo đức và tri thức, thầy phải có hành động, phát ngôn và cách sống tốt để học trò noi theo. Trò xem thầy như kiểu mẫu để sống.
Thầy không làm gương được, làm sao trò đặt niềm tin vào thầy mà nghe thầy giảng đạo? Danh không chính, ngôn không thuận, thì nói ai nghe?
Không chỉ có thầy làm gương cho trò, mà người trên phải làm gương cho người dưới trong ý thức chung về trật tự xã hội.
Điều này được thể hiện rất rõ ràng trong thuyết chính danh.
Khổng Tử nói với Tử Lộ: “Danh không hợp thì lời nói sẽ không thuận, nói không thuận thì việc không thành. Việc không thành thì lễ nhạc mất trật tự. Lễ nhạc mất trật tự thì hình phạt không đúng đắn, hình phạt không đúng thì dân không biết làm thế nào cho đúng. Vậy người quân tử khi có danh phù hợp với thực thì có thể nói ra được, nói được thì thực hành thông suốt. Quân tử không bao giờ sơ suất với lời nói của mình”.
Và lẽ đương nhiên, “thượng bất chính, hạ tất loạn”, muốn làm thầy, phải chính danh thầy trước đã.
Vai trò truyền đạt kiến thức
Để thực hiện tốt vai trò này, người thầy trước tiên phải có kiến thức uyên thâm, nghiên cứu sâu rộng tri thức xã hội, luôn trau dồi kiến thức: “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ” (ôn tập cái cũ để hiểu cái mới, có thể làm thầy được rồi).
Dạy học phải dựa vào sức và khả năng hiểu biết của từng trò, phải quan tâm những điều trò biết và những điều trò không biết, phải hiểu được mỗi học trò quan tâm đến điều gì, từ đó, mới có thể đưa ra tri thức thích hợp, làm cho trò dễ hiểu dễ hành.
Phương pháp này mãi đến hai ngàn năm sau nhà tâm lý học Jean Piaget mới đề cập.
Tử Lộ hỏi: “Nghe rồi thì nên thực hành ngay phải không?”.
Khổng Tử nói: “Có mặt cha ngươi, làm sao nghe rồi thực hành ngay?”.
Nhiễm Hữu hỏi: “Nghe rồi thì nên thực hành ngay phải không?”.
Khổng Tử lại bảo: “Nghe được thì thực hành ngay”.
Công Tây Hoa lại nói: “Sao hai câu hỏi giống nhau mà thầy trả lời mỗi người một khác vậy?”.
Khổng Tử giải thích: Nhiễm Hữu làm việc gì cũng nhút nhát rụt rè nên ta cổ vũ trò ấy. Còn Tử Lộ dũng khí hơn người, hăng hái dám làm nên ta kìm bớt trò ấy một chút.
Đối thoại gợi mở là phương pháp Khổng Tử sử dụng xuyên suốt trong cuộc đời dạy học của mình.
Khổng Tử không hề viết sách để cho học trò đọc.
Ông chỉ giảng những gì trò hỏi, và đặt câu hỏi kiểm tra sự hiểu biết của trò.
Đôi khi, ông cũng dùng những câu hỏi gợi mở để trò hiểu vấn đề.
Phương pháp này rất tốt trong việc phát huy tính năng động, sáng tạo và khả năng tư duy của trò.
Ông nhấn mạnh: “Kẻ nào chưa uất ức vì chưa hiểu được thì ta không gợi mở cho. Kẻ nào không hậm hực vì chưa thể nói ra được thì ta chẳng hướng dẫn cho. Kẻ đã được ta chỉ cho một góc vuông mà chẳng biết tự xét ba góc kia thì ta chẳng dạy nữa”.
Đối xử bình đẳng với học trò
Khi thầy nhận dạy trò, thầy không phân biệt vị thế của trò, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, thông minh hay ngu dốt.
Dạy người, ông không phân biệt thứ hạng, thiện ác, dở hay và giàu nghèo.
Ông sẵn sàng dạy nếu người đó biết quay đầu là bờ, có mong mỏi cải thiện bản thân thành người tốt.
Thầy không những tìm hiểu kiến thức, khả năng mà còn quan tâm những tâm tư, hoàn cảnh của từng trò.
Ngoài việc thầy chọn tri thức phù hợp cho trò, thầy còn dạy luân thường đạo lý ở đời, để cho trò sống theo đúng tâm của trò, đúng với hoàn cảnh thực của trò. Khổng Tử tâm tình với học trò:
“Những người cùng theo ta sang nước Trần, nước Thái nay không còn ở bên ta nữa. Về đức hạnh tốt có: Nhan Hồi, Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung.
Khéo ăn nói giao tiếp có: Tể Ngã, Tử Cống. Giỏi chính trị có: Nhiễm Hữu, Quý Lộ. Tài văn học có: Tử Du, Tử Hạ”.
Thầy Khổng Tử chấp nhận và thông cảm sự khác biệt đó như một quy luật của trời đất, luân lý đời thường.
Khổng Tử nói: “Cùng học với nhau chưa chắc cùng đắc đạo như nhau. Có thể cùng đạt như nhau nhưng chưa chắc kiên định đạo lý như nhau. Có thể cùng kiên định như nhau, chưa chắc hành xử phù hợp hoàn cảnh như nhau” .
Có thể nói Khổng Tử là một nhà giáo, nhà hiền triết vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa, đồng thời là người sáng lập ra Nho giáo.
Tư tưởng của ông có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các nền văn hóa Đông Á.
Người Trung Quốc gọi ông là ‘Bậc thầy của muôn đời’.
Ngoài các khái niệm cốt lõi của lòng nhân từ, nguyên tắc quan trọng khác về giáo dục của Khổng Tử trong đó bao gồm sự công bình và chính nghĩa, học tập và trí tuệ, trung thực và đáng tin cậy, cũng như lòng hiếu thảo, lòng trung thành và sự khoan dung tha thứ.
Chân Tâm