Y HỌC-SỨC KHỎE - DƯỠNG SINH-VÕ THUẬT NỘI CÔNG

Người xưa dạy: Mỗi ngày uống mấy chén trà, quanh năm chẳng phải gặp thầy thuốc

Người xưa dạy: Mỗi ngày uống mấy chén trà, quanh năm chẳng phải gặp thầy thuốc

Uống trà với người Việt là cái đạo đối nhân xử thế, là cái tình giữa người với người, là sự bình đẳng giữa chủ và khách, ngoài ra uống trà còn là cái đạo dưỡng sinh. 
Nguồn gốc của Trà và Trà Đạo
Trà có nguồn gốc lâu đời, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trà có nguồn gốc từ vùng Lĩnh Nam, tức vùng Nam Trung Quốc và Việt Nam ngày nay.
Để biết chính xác thì còn chờ có đủ chứng thực khảo chứng.
Nhưng từ những tài liệu cổ còn sót lại thì trà có từ trước thời Tần Hán, được trồng và chế biến ở đất Ba Thục (Tứ Xuyên ngày nay).
Cố Viêm Vũ có viết: “Sau khi người Tần chiếm Ba Thục, bắt đầu có việc uống trà”.
Trước tác vĩ đại, sớm nhất, đầy đủ nhất, chi tiết nhất về trà là cuốn “Trà kinh” của Lục Vũ đời Đường.
Trà kinh là luận thuật tổng hợp về lịch sử, nguồn gốc, hiện trạng và kỹ thuật sản xuất trà cũng như nghệ thuật uống trà, nguyên lý trà đạo, luận thuật về văn hóa trà, đưa việc uống trà thông thường nâng lên thành nghệ thuật, văn hóa trà tuyệt diệu.
Lục Vũ sinh năm 733, từ nhỏ nương thân cửa Phật, hiếu học đa tài, học vấn tinh thâm, văn thơ giỏi, là người thanh cao không màng danh lợi, đã từng được mời làm Thái tử Thái học nhưng không nhận.
Năm 21 tuổi, ông quyết tâm viết Trà kinh, đi du ngoạn khảo sát khắp các vùng trồng và sản xuất trà.
Trải qua hơn 10 năm khảo sát 32 châu, cuối cùng ông ẩn cư ở Thiều Châu (Chiết Giang ngày nay) chuyên tâm nghiên cứu và trước tác Trà kinh.
Đến năm ông 47 tuổi mới hoàn thành bộ Trà kinh.
Lục Vũ được người đời sau tôn xưng là Trà Thánh.
Sau khi Trà kinh ra đời, người các đời sau cũng có các trước tác chuyên về trà như “Trà lục” của Thái Tương đời Tống, “Đại quan trà luận” của Tống Huy Tông, “Trà phổ” của Tiền Xuân Niên đời Minh, “Trà lục” của Trương Nguyên đời Minh và “Trà sử” của Lưu Nguyên Trường đời Thanh…
Có thể thấy đến đời Tống, trà đã rất phổ biến và được nâng lên thành nghệ thuật, được các tao nhân mặc khách, các tăng nhân đạo sỹ thưởng thức, vừa là nghệ thuật thanh cao, vừa là hình thức tu tâm dưỡng tính, thanh khiết tâm hồn, tịnh hóa thân thể.
Chúng ta cùng thưởng thức trà qua bài thơ “Trà” của ẩn sỹ Lâm Bô một cao nhân nhã sỹ được người đương thời tôn kính gọi là Hòa Tĩnh tiên sinh:

Thạch niễn khinh phi sắt sắt trần,
Nhũ hương phanh xuất Kiến khê xuân.
Thế gian tuyệt phẩm nhân nan thức,
Nhàn đối “Trà kinh” ức cổ nhân

Dịch thơ:

Cán đá nhẹ bay giống bụi trần,
Hương trà thanh mát nước suối xuân.
Tuyệt phẩm nhân gian người khó biết,
“Trà kinh” nhàn đọc nhớ cổ nhân.

Trà kinh là luận thuật tổng hợp về lịch sử, nguồn gốc, hiện trạng và kỹ thuật sản xuất trà cũng như nghệ thuật uống trà. (Ảnh: Pinterest)

Từ thời Tống, trà đã trở thành một hình thức tu tâm dưỡng tính của những người tu luyện.
Tiên sinh Hòa Tĩnh ẩn cư tu Đạo trên núi, sống một mình thanh tu, bầu bạn với hoa mai, tiên hạc và trà.
Qua bài thơ của ông chúng ta có thể thấy, ông tự tay chế trà, dùng trục cán bằng đá nhẹ nhàng cán nhanh như bay khiến bột trà bay lên rơi xào xạc như bụi trần.
Mùi hương trà thơm thanh mát, khoan khoái như nước suối Kiến Khê mùa xuân. Cảnh giới người tu Đạo say đắm với cái đẹp của thiên nhiên, cái thanh khiết tao nhã của trà, chính là tuyệt phẩm chốn nhân gian mà người cõi nhân gian khó mà biết được.
Thời Tống còn có một thi nhân cả đời nghiên cứu, thưởng thức trà, được coi là Trà Thần, đó là Lục Du, ông đã từng nói về mình: “Lục thập niên gian vạn thủ thi” (Trong 60 năm làm được vạn bài thơ), chỉ riêng tập thơ “Kiếm Nam thi cảo” hiện còn lại đã có trên 9300 bài, trong đó thơ về trà trên 320 bài.
Chúng ta cùng thưởng thức bài thơ “Tuyết hậu tiên trà” (Sau khi tuyết tan nấu trà):

Tuyết dịch thanh cam trướng tỉnh tuyền,
Tự huề trà táo tựu phanh tiên,
Nhất hào vô phục quan tâm sự,
Bất uổng nhân gian trú bách niên.

Dịch thơ:

Tuyết tan thanh ngọt suối nước trong,
Trà bếp bày ra chuẩn bị xong,
Sự đời bỗng chốc tâm chẳng gợn,
Trăm năm chẳng uổng cũng chẳng mong

Từ thời Tống, trà đã trở thành một hình thức tu tâm dưỡng tính của những người tu luyện. (Ảnh: Tinh Hoa)

Cũng như tiên sinh Hòa Tĩnh, Trà Thần Lục Du có phong thái phiêu nhiên thoát tục, tránh xa chốn danh lợi cõi phàm trần, hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên, thưởng thức trà, và dùng trà là một hình thức tu tâm dưỡng tính.
Tuyết vừa mới tan, đất trời thanh khiết tinh khôi lành lạnh, dòng nước suối trong vắt, ngọt như nước cam lồ dâng lên ở con suối trong núi vắng. Một mình đến bờ suối, bắc bếp lấy nước suối đun nước pha trà.
Suối trong tinh khôi, trà thơm thanh khiết, bên tuyết trắng lửa hồng, thưởng thức chén trà thơm ngát, tinh khiết. Bao nhiêu sự việc cõi nhân gian, bao nhiêu phiền não, lo nghĩ bay biến hết, trong lòng tĩnh lặng mặt nước tĩnh, chẳng mảy may vẩn chút tục trần.
Sống chân thật với bản tính, với thiên nhiên, chính là quay về với Đạo, phản bổn quy chân, thật chẳng uổng phí những năm sống trong cõi phàm trần này, không bị cái mê của danh lợi tình chốn nhân gian trói buộc.
Trà Đạo Nhật Bản
Cũng vào thời kỳ này, trà được các thiền sư Nhật sang Tống học thiền rồi đem về Nhật phổ biến, nâng cấp thành Trà đạo.
Theo sử sách, năm Thiệu Hy thứ hai thời Nam Tống (năm 1191), có một vị cao tăng người Nhật là Eisai (âm Hán Việt là Vinh Tây) sang Trung Hoa để tham vấn học đạo.
Khi trở về nước, ông mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa.
Sau này, ông cũng là người viết cuốn “Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký” (Kissa Yojoki), ghi lại mọi chuyện liên quan tới việc uống trà.
Từ đó, người Nhật đã kết hợp việc uống trà với tinh thần thiền định của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, trở thành trà đạo, một nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản.
Trà đạo Nhật Bản tuân thủ bốn nguyên tắc: Hòa, Kính, Thanh, Tịch (Tường hòa, cung kính, thanh khiết, u tịch).
Phật giáo thường dùng thuật ngữ “ngón tay chỉ mặt trăng”, tức là theo hướng chỉ của Phật nhìn thì thấy mặt trăng, có nghĩa theo những lời Phật dạy tu luyện thì đến với bờ giác ngộ.
Như vậy Trà Đạo Nhật Bản cũng có hàm ý đó, dùng trà là một hình thức tu luyện của thiền phái, nương theo các nghi lễ, phương thức của Trà Đạo để tu luyện cái tâm, buông bỏ các tâm danh lợi, chấp trước sở kiến cá nhân, buông bỏ ham muốn, xả bỏ sở cầu, khiến cho tâm thanh tịnh, không còn chấp trước, như cái lý “không” của thiền.

Trà đạo Nhật Bản
Trong trà đạo Nhật bản còn thể hiện được cái tâm của người pha trà cũng như người thưởng thức. (Ảnh: Linkedin)

Có câu chuyện thế này, có vị giáo sư dùng hết can đảm từ xa xôi đến, leo ngọn núi rất cao tìm thiền sư Nan In (âm Hán Việt là Nam Âm), xin thỉnh giáo thiền sư giải đáp những vướng mắc của ông về thiền.
Giáo sư hỏi rất nhiều câu hỏi như thế nào là Niết Bàn, làm thế nào tĩnh tâm, và rất nhiều vấn đề khác.
Thiền sư Nan In lẳng lặng lắng nghe, mà giáo sư thì cứ hỏi hết câu này đến câu khác.
Cuối cùng thiền sư nói với giáo sư: “Ngài đã mệt rồi, ngài đã leo lên ngọn núi cao nhường này, lại từ nơi xa xôi đến, trước tiên tôi rót cho ngài chén trà đã”.
Sau đó thiền sư từ từ pha trà, giáo sư ngồi đó yên lặng chờ đợi, nhưng trong đầu ông, các vấn đề lại cuộn trào lên, ông lại tiếp tục hỏi thiền sư.
Khi thiền sư đang pha trà, ấm nước sôi reo lên, hương trà bay ngào ngạt khắp phòng.
Thiền sư nói: “Ngài hãy đợi một lát, không phải vội, có khi lúc uống trà thì vấn đề của ngài được giải đáp, có khi chưa uống xong trà vấn đề của ngài đã được giải đáp rồi”.
Thiền sư Nan In cầm ấm tra lên rót vào chén, ông cư tiếp tục rót, rót, rót.
Chén trà đã đầy, nước bắt đầu tràn ra, ông vẫn cứ rót, dường như ông không có ý ngừng lại, cứ tiếp tục rót, rót, rót, tràn ra khay, rồi khay cũng đầy, sắp tràn ra xuống nền nhà rồi, mà ông vẫn cứ rót.
Giáo sư không nén được hô lên: “Dừng đi, ông làm gì vậy? Ông điên à? Chẳng lẽ ông không thấy chén đã đầy từ lâu rồi sao? Chẳng lẽ ông không thấy khay cũng đầy rồi sao?”.
Lúc này thiền sư mới trầm tĩnh nói: “Tình hình của ngài cũng như thế đó, trong đầu ngài đầy các vấn đề, cho dù tôi có giải đáp, thì ông cũng chẳng có không gian nào cho nó chui vào. Ông hãy trở về, trước tiên làm trống cái chén trà của ông đã, rồi hãy lại đến”.

Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản và ý nghĩa sâu xa trong văn hóa
Trà đạo Nhật Bản lại có cái tinh tế thể hiện trong từng cử động, đó cũng là tâm của người pha trà vậy. (Ảnh: Pinterest)

Nghệ thuật trà Việt
Trong cuốn Trà kinh của Lục Vũ cũng đề cập tới trà có ở vùng đất Giao Châu (Tên gọi Việt Nam xưa).
Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, Việt Nam cũng là cái nôi của trà.
Trà cũng là thức uống hàng ngày của người Việt từ xưa đến nay, và mỗi tầng lớp có cách thức thưởng thức trà riêng, chứ không có hình thứ cố định như Trà đạo Nhật Bản hay Trà nghệ Trung Quốc, tuy nhiên nghệ thuật trà phổ biến rộng rãi nhất ở Việt Nam có điểm chung như sau.
Cách uống trà của người Việt giản dị, gần gũi, nhưng cũng rất đỗi tinh tế như tâm hồn người Việt. Nghệ thuật trà Việt cốt là tình người, tình nghĩa bạn bè tâm giao, cốt ở sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên, hơn cả một thứ đạo.
Trà Việt là một phần tất yếu của cuộc sống người Việt.
Bởi thế, trà Việt không là một cái đạo như trà đạo Nhật Bản, không quá cầu kỳ như trà nghệ Trung Hoa, cũng không quá thực dụng như trà châu Âu.
Trong gia đình truyền thống, người nhỏ pha trà mời người lớn, phụ nữ pha trà mời các ông, chủ pha trà mời khách.
Người ta có thể uống trà trong yên lặng suy ngẫm như để giao hoà với thiên nhiên.
Các chén nằm cạnh nhau thể hiện sự gắn bó giữa con người với con người, tình láng giềng khi mời ấm trà thơm ý ới gọi nhau đầu hồi cuối ngõ.
Nếu rót trà theo chiều kim đồng hồ, mỗi chén rót một chút, từ đầu đến cuối, rồi lại vòng ngược lại đến đầu, các chén đều nhau cùng đậm hoặc cùng nhạt hoặc cùng vừa vặn mê người.
Ý nghĩa của nó là thể hiện sự bình đẳng giữa chủ và khách trong sự hưởng thụ lộc trời.
Người Việt mời trà nhau biểu hiện một phong độ văn hóa thanh cao, một sự kết giao tri kỷ, một tấm lòng ước mong hòa hợp, một sự tâm đắc của những người đối thoại.
Người Việt Nam mời nhau uống trà là để bắt đầu một lời tâm sự, để bàn chuyện gia đình, xã hội, chuyện thế thái nhân tình.
Với giới Nho sinh, sỹ phu, quan lại quý tộc thì họ thưởng thức trà ngoài cách thông thường bình dân ra, đôi khi họ cũng rất cầu kỳ, tinh tế:
“Khi hoàng hôn bắt đầu nhuộm hồng mặt hồ là lúc các thiếu nữ chèo thuyền ra chọn những búp sen đẹp nhất, lén bỏ vào trong một dúm trà nhỏ. Hôm sau, bình minh còn chưa kịp lên, những dúm trà ướp đầy hương sen đã được cẩn thận mang về. Trà được pha bằng thứ nước tinh khiết hứng từ những giọt sương đọng trên lá sen. Đó chính là thiên cổ đệ nhất trà”.

Với người Việt uống trà còn là sự gắn bó tình cảm và thể hiện cách đối nhân xử thế. (Ảnh: Youtube)

Uống trà với người Việt là cái đạo đối nhân xử thế, là cái tình giữa người với người, là sự bình đẳng giữa chủ và khách, ngoài ra uống trà còn là cái đạo dưỡng sinh:

Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh sổ trản trà.
Mỗi nhật đắc như thử
Lương y bất đáo gia.

Dịch thơ:

Canh khuya ba chén rượu.
Bình minh mấy chén trà
Mỗi ngày được như thế,
Thầy thuốc chẳng gặp ta.

Nam Phương

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111